Nhiều dấu hiệu suy giảm chức năng thận có xu hướng tiến triển âm thầm và chỉ được biểu hiện rõ nét khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Vậy các triệu chứng suy giảm chức năng thận là gì? Cách tăng cường chức năng thận như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết nhé!
Thay đổi về nước tiểu và số lần đi tiểu
Thận thực hiện chức năng lọc chất lỏng dư thừa khỏi máu và bài tiết ra ngoài cơ thể dưới dạng nước tiểu. Do đó, người bị suy giảm chức năng thận sẽ xuất hiện những thay đổi về nước tiểu và quá trình bài tiết nó.
Lượng nước tiểu ít hoặc nhiều hơn bình thường, phải dậy đi tiểu nhiều lần vào ban đêm, nước tiểu sủi bọt, sẫm màu hoặc màu đỏ (tiểu ra máu) là những triệu chứng mà người bị suy giảm chức năng thận có thể nhận biết dễ dàng.
Đau, co thắt và nhiều triệu chứng khác là dấu hiệu giảm chức năng thận
Không chỉ ảnh hưởng đến tần suất cũng như tính chất của nước tiểu, chức năng thận suy giảm còn ảnh hưởng đến mọi hệ thống, cơ quan và các tuyến của cơ thể. Các triệu chứng này bao gồm:
- Đau ở một hoặc hai bên lưng: Khi thận bị tổn thương, cơn đau nhức sẽ xảy ra. Đặc biệt, sỏi và nang thận có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn.
- Chuột rút và/hoặc co giật cơ: Những triệu chứng này do sự mất cân bằng chất lỏng và chất điện giải gây ra. Tuy nhiên, nó cũng có thể là kết quả của tổn thương thần kinh hoặc các vấn đề về lưu lượng máu.
- Ngứa da dai dẳng: Tình trạng này thường do sự tích tụ các chất thải, đặc biệt là lượng photpho dư thừa mà thận không thể lọc ra ngoài.
- Luôn cảm thấy lạnh: Đây là triệu chứng do thiếu máu ở người bị suy giảm chức năng thận.
Giảm cảm giác thèm ăn và thay đổi cân nặng
Cảm giác ăn uống không ngon miệng cùng tâm lý lo lắng khiến người bệnh bị thay đổi cân nặng và các vấn đề sức khỏe khác.
- Buồn nôn và nôn: Tình trạng này xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng, độc tố urê tích tụ trong máu, do thuốc hoặc mắc kèm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản và bệnh túi mật.
- Chán ăn: Trong giai đoạn đầu của suy thận, các hợp chất tích tụ trong máu, ngăn chặn sự thèm ăn và có thể ảnh hưởng đến vị giác của người bệnh. Một số người cảm thấy có vị kim loại trong miệng. Ngoài ra, trầm cảm, lo lắng, dùng thuốc và các phương pháp điều trị khác cũng có thể góp phần làm giảm cảm giác ngon miệng.
- Giảm cân: Đây là triệu chứng phổ biến nhất trong giai đoạn đầu và giữa của bệnh suy thận mạn. Khi tốc độ lọc cầu thận giảm xuống dưới mức bình thường, người bệnh thường có cảm giác chán ăn. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, lú lẫn và mệt mỏi.
- Sưng phù cơ thể: Triệu chứng này là do sự tích tụ chất lỏng dư thừa mà thận không đào thải được ra ngoài qua đường tiết niệu. Sưng mặt, bàn tay, bàn chân và mắt cá chân là một trong những dấu hiệu suy giảm chức năng thận dễ dàng nhận biết.